Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch

Chiến Yến Thịnh
CTY TNHH THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ - DU LỊCH

Tin tức & sự kiện

Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch

Những năm qua, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư ở trong nước và ngoài nước, làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch, thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu cơ bản của chiến lược phát triển du lịch giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, tác động tiêu cực đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Những chuyển biến tích cực

Trong năm năm trở lại đây, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch (CSHTDL) từ ngân sách trung ương, địa phương và huy động từ nhiều nguồn khác đã từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho các khu du lịch, nhất là các khu du lịch quốc gia, khu du lịch chuyên đề để tạo tiền đề hình thành các khu du lịch có tầm cỡ khu vực, quốc tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Nhiều hạng mục và dự án hoàn thành đã phát huy hiệu quả, mang lại hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho các khu du lịch, đặc biệt là những khu du lịch quốc gia, khu du lịch chuyên đề như: Hạ Long - Cát Bà (Quảng Ninh), Lăng Cô - Cảnh Dương (Thừa Thiên - Huế), bán đảo Sơn Trà - Mỹ Khê - Non Nước (Ðà Nẵng), Mũi Né (Bình Thuận), Tuyền Lâm - Ðan Kia Suối vàng (Lâm Ðồng), Phú Quốc (Kiên Giang)... Ðiều kiện cơ sở hạ tầng được cải thiện đã thu hút nhiều nhà đầu tư, bước đầu hình thành những khu du lịch quy mô lớn, dịch vụ cao cấp có tầm cỡ khu vực và quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Nguồn vốn đầu tư CSHTDL đã được sử dụng hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm du lịch, tăng cường khả năng đón khách với thành tựu vượt bậc: lần đầu du lịch nước ta đón vượt sáu triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2011. Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư CSHTDL của Nhà nước đã đóng vai trò quan trọng, làm tiền đề cơ sở ban đầu, tạo đà thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp khác vào công trình CSHTDL và các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn, tăng lượng du khách và thu nhập từ du lịch của các địa phương, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội và các ngành liên quan, nhất là với các khu du lịch tại các địa bàn khó khăn có tiềm năng phát triển du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội. Riêng trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2010, du lịch nước ta đã thu hút được 937 dự án từ nguồn vốn trong nước và ngoài nước với tổng vốn đăng ký gần 515 nghìn tỷ đồng, riêng vốn đăng ký đầu tư vào du lịch của nước ngoài (FDI) đã lên tới gần 320 nghìn tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD). CSHTDL được đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi để du khách tiếp cận với các địa bàn khó khăn, nghèo nàn và làm thay đổi cơ cấu kinh tế ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, tham gia tạo nhiều việc làm, xóa đói, giảm nghèo.

Bất cập và giải pháp tháo gỡ trong đầu tư

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng quá trình triển khai đầu tư CSHTDL trong năm năm qua cũng cho thấy những hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Nhiều công trình còn đầu tư kéo dài, không hoàn thành đúng tiến độ dự án đề ra cho nên chưa phát huy hết hiệu quả của các dự án hạ tầng du lịch. Nguyên nhân là do các công trình không được cân đối đủ vốn, trong đó vốn ngân sách nhà nước trợ giúp đầu tư CSHTDL chỉ đáp ứng được khoảng 30 đến 34% nhu cầu. Các địa phương bố trí bổ sung nguồn vốn rất thấp, nhất là với các địa phương không có khả năng tự cân đối về ngân sách khiến nhiều dự án CSHTDL kéo dài, không hoàn thành đúng tiến độ. Mức vốn ngân sách nhà nước hằng năm đầu tư cho CSHTDL còn bị động, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển CSHTDL, trong khi các tỉnh, thành phố chưa chủ động bố trí ngân sách địa phương hoặc huy động các nguồn vốn khác mà vẫn chủ yếu trông chờ nguồn hỗ trợ của Trung ương. Một số địa phương đã tự bố trí vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương phân bổ theo hướng phân tán, dàn trải, trong khi các dự án chuyển tiếp thiếu nhiều vốn để hoàn thành, thậm chí còn sử dụng vốn sai mục đích, ảnh hưởng đến việc phát triển CSHTDL theo mục tiêu nhằm tạo tính liên hoàn, liên kết giữa các vùng. Mặc dù ngành du lịch có trách nhiệm quản lý việc thực hiện nguồn vốn hỗ trợ đầu tư CSHTDL, nhưng các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư CSHTDL thường được quản lý theo nhiều cách khác nhau, gây khó khăn trong việc lập và tổ chức triển khai kế hoạch vốn đầu tư CSHTDL, quản lý, theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện nguồn vốn này.

Ðể tìm cách tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có những đề xuất với Chính phủ cho tiếp tục chương trình hỗ trợ đầu tư CSHTDL giai đoạn 2011 - 2015 theo hướng tập trung ưu tiên tại một số địa phương có khu du lịch quốc gia, địa bàn trọng điểm du lịch miền trung - Tây Nguyên, các điểm du lịch có khả năng thu hút nhiều khách ở vùng phụ cận các trung tâm du lịch; hình thành các tua, tuyến du lịch liên hoàn giữa các vùng du lịch trọng điểm, giữa các địa phương. Tập trung dứt điểm các công trình chuyển tiếp để phát huy hiệu quả dự án đầu tư và nghiên cứu ban hành cơ chế nhằm huy động các nguồn lực đầu tư CSHTDL, giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước.

Ðể nâng cao tính hiệu quả của vốn hỗ trợ đầu tư CSHTDL, ngành du lịch và các địa phương cần tập trung chủ động xây dựng quy hoạch đầu tư CSHTDL, căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của địa phương; đưa ra được các dự án ưu tiên đầu tư cho từng năm của giai đoạn tới và làm rõ các dự án ưu tiên có khu du lịch quốc gia, các dự án thuộc địa bàn trọng điểm phát triển du lịch để tạo nên được các khu du lịch nổi trội, có thương hiệu, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất, cần căn cứ vào nguồn thu và khả năng cân đối của từng tỉnh, thành phố để đưa ra các mức đối ứng vốn địa phương cho phù hợp trong các dự án đầu tư CSHTDL. Trong phát triển các khu du lịch quốc gia và các dự án thuộc địa bàn khó khăn, Nhà nước nên xây dựng cơ chế huy động vốn đầu tư CSHTDL từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, điều tiết các khoản thu ngân sách địa phương và có cơ chế sử dụng hiệu quả các ưu đãi đầu tư du lịch...

Công tác quản lý đầu tư CSHTDL cũng cần được nhanh chóng chấn chỉnh lại theo hướng phát huy trách nhiệm của ngành du lịch (cấp trung ương) và UBND các tỉnh, thành phố, trong đó sở văn hóa, thể thao và du lịch là đầu mối trong việc quản lý, từ khâu lập dự án, thẩm định, phân bổ vốn và trong suốt quá trình quản lý, thực hiện dự án; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đầu tư.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề xuất cơ chế giao kế hoạch và chế độ báo cáo tình hình thực hiện đầu tư CSHTDL phù hợp, nhằm bảo đảm đầu tư đúng mục tiêu phát triển, tránh đầu tư dàn trải, phân tán, tăng tính tự chủ của các địa phương trong việc huy động các nguồn vốn và sử dụng ngân sách nhà nước và phải dựa trên cơ sở thống nhất về mục tiêu phát triển du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và UBND các tỉnh, thành phố. Tăng cường phối hợp triển khai thực hiện vốn hỗ trợ đầu tư CSHTDL với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cùng các nguồn vốn khác nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn hỗ trợ CSHTDL theo đúng các mục tiêu chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Nguồn: website Nhân dân

- Hợp đồng đưa rước nhân viên/giám đốc.

- Mua bán/sửa chữa ô tô, xe máy du lịch các loại. Vá/thay vỏ xe, làm bóng vỏ xe.

Video clip
Hỗ trợ online

Hotline : 0938 675775

Email : cty_chienyenthinh@yahoo.com

Facebook Skype

Đối tác khách hàng
  • Partner 1
  • Partner 2
  • Partner 3
  • Partner 4
  • Partner 5
  • Partner 6
  • Partner 7
  • Partner 8
  • Partner 9
  • Partner 10
Thống kê truy cập

Đang online : 11 người

Tổng : 2640975

Hotline